15 thg 11, 2014

Danh thắng chùa Đại Bi- núi Kỳ Lân và Ngọc Nữ

        ( Chào mừng thành phố lên đô thị loại I).
Núi Kỳ Lân– Ngọc nữ và Chùa Đại Bi  là danh thắng nổi tiếng từ xưa của tỉnh Thanh Hóa. Vua Lê Thánh Tông thế kỷ XV đã nhiều lần ghé thăm, cảm hứng trước vẻ đẹp cẩm tú, diễm lệ của vùng non nước nơi đây, nhà vua đã lưu lại những áng thơ vịnh về núi Ngọc nữ:
Trấn nam minh nẻo thuở xưa,
Núi Ngọc Nữ là ngọn núi nhỏ cuối dãy Kỳ Lân
Xuân thu đã mấy, có chồng chưa ?
Dồi thức bạc, khi sương rụng,
Thoảng mùi hoa, thuở gió đưa
Gương mượn trăng soi, mầu lại tỏ,
Tóc khoe mây vén, nhặt thì thưa.
 Dấu thiêng, lượng rộng, kiền khôn gộp
 Ngọc đá bao nhiêu chứa chẳng từ.
  Năm 1804, vua Gia Long đã chọn đất này đặt tỉnh lỵ gọi là Hạc Thành.  210 năm sau, nhằm đúng dịp kỷ niệm 210 năm, bầy Hạc trắng đã trở về bay lượn trên đỉnh núi Long của thành phố.
     Chim Hạc bay về đậu trên đỉnh núi Long đã 3 ngày nay để đón chào Hac Thành 
                                                            lên đô thị loại I.
Nằm giữa bãi phẳng đồng bằng; bên tả là dòng kênh Vi; bên hữu trước kia là khu rừng Miễu cổ thụ có ngôi nghè năm gian bằng lim bề thế, một toà núi đá nổi lên là Kỳ lân- Ngọc nữ. Trong núi có động, trong động có hang thông thiên. Ngoài động có chùa, phía sau là đầm hồ quanh núi. Núi Kỳ Lân- Ngọc nữ bày trước mặt, chùa Đại Bi ẩn dưới chân núi, trong ráng chiều thực là cảnh lâm tuyền thứ nhất. Trước năm trăm năm nay, vua Lê Thánh Tông nhiều lần qua đây, đề thơ ngâm vịnh. Nơi khắc đá đề thơ còn đó, chùa xưa tích cũ đến bây giờ chưa mất. Chốn phồn hoa chẳng níu được chân mà vẫn tìm nơi tĩnh lặng thăm thú thưởng ngoạn. Sự hoà quyện giữa phố phường và chốn tịch mịch, giữa con người và thiên nhiên đã tạo cho quần thể núi Kỳ Lân- Ngọc nữ, chùa Đại Bi vẻ đẹp đẽ riêng biệt khác hẳn những ngôi chùa nằm trong thành phố.
        Người xưa lánh thân ở ẩn thường tìm nơi hoang vu vắng vẻ, làm bạn cùng tùng trúc cúc mai. Tư tưởng của các nhà nho cũng mang màu sắc hiện thực và hiện đại. "Ở nơi phồn hoa mãi thì chán, ở nơi tịch mịch mãi thì buồn".... Giải pháp khôn ngoan cho con người mọi thời là:  Phải làm cho thành thị và lâm tuyền thông với nhau, để trước là giải lấy trí khôn, sau là thanh lấy niềm tục. Núi này cũng cảnh Bụt bầu trời, không nhẽ phó mặc cho bóng tà cỏ áy như mấy mươi năm qua ? Nay có cảnh tự nhiên, thêm công tu bổ. Đường gần mà dễ đi thì khách tới càng tiện, cảnh càng đẹp thì khách tới càng đông. Từ nay, kẻ lại người qua, dẫu phồn hoa cũng không lấy làm chán, dẫu tịch mịch cũng không lấy làm buồn.. . .
Giá cổ vật của thầy Hiền

       Nằm ở trung tâm thành phố Thanh Hoá, núi Kỳ Lân – Ngọc nữ không quá cao để lộ diện, không quá nhỏ để chìm vào không gian bao la, nhỏ nhắn mà vừa phải, thâm nghiêm mà gần gũi. Cổ nhân có câu: “Sơn bất tại cao hữu tiên tắc ứng, thuỷ bất tại thâm, hữu long tắc linh(núi không cần chi thấp với cao, miễn là có tiên thì nổi tiếng, nước không cần chi sâu với cạn, có rồng thì nên thiêng ). Tuy không có tích tiên đến ở, rồng đến chầu nhưng tiên và rồng đã hiện hữu ở đây: dãy núi Long và núi Ngọc nữ- Kim đồng. Ngọc nữ và Kim Đồng vốn là hai vị thần tiên trên trời, múa hát, tấu nhạc , đứng hầu bên Bồ Tát, Ngọc hoàng…
  Trong lòng quần thể những núi này hiện nay còn có rất nhiều hang động cạn. Núi Mật có tên gọi núi Kỳ Lân bởi nó có dáng hình giống con Kỳ lân ( họ Hổ nên còn gọi là núi Hổ). Trên bến sông nhà Lê vẫn còn di tích hòn đá tương truyền là nơi chúa Chổm thường ngồi tắm.
           Ngôi chùa Đại Bi được xây dựng từ thời Lý. Cũng như bao ngôi cổ tự khác thời này, chùa mang tên khuyến thiện, cầu mong, răn bảo. Trải mấy trăm năm của cuộc kháng chiến chống giặc Nguyên Mông và sự mờ nhạt của Phật giáo trước sự hưng thịnh của Nho giáo thời hậu Lê, chùa trở thành hoang phế. Vừa là chốn quê hương, vừa sẵn trong lòng sự mến mộ Phật pháp, vua Lê Thần Tông cho tôn tạo lại ngôi chùa Đại Bi ngay dưới chân núi Kỳ Lân.
Vua Lê Thần Tông và 6 bà hoàng.
        Theo văn bia Mật sơn Đại Bi tự thì : vua Lê Huyền Tông (1663- 1671) đã cho tạc tượng vua cha Lê Thần Tông và 6 bà hoàng hậu, phi tần của vua cha để thờ. Dọc theo vào điện thờ chùa Đại Bi là hai dải Tả vu, Hữu vu. Trước kia, trong chùa có hàng trăm pho tượng Phật và các La Hán- những tác phẩm nghệ thuật điêu khắc quý hiếm vào thế kỷ thứ XVII. Hiện nay những pho tượng này đã bị thất lạc. Trong kiến trúc cổ Phật giáo, chỉ những ngôi chùa lớn mới có lối bài trí tượng thờ kiểu “tiền thần hậu phật” như lối bài trí tượng ở chùa Đại Bi. Dấu tích xưa để lại còn có Giếng chùa với những phiến đá cổ lát sân giếng vuông vắn, dày dặn. Đó là những tác phẩm điêu khắc quý hiếm, chạm khắc loài vật dân giã mang đậm chất làng quê Việt Nam như: tôm, cua, rùa, cá; một phiến đá cổ kích thước lớn, là bệ long ngai có chạm trổ sóng nước và mây, tượng quan hầu bằng đá cao 95 cm được nhân dân phủ sơn để che giấu. Số cổ vật hiếm hoi nữa còn lại trong lòng đất chùa qua những lần đào hào thoát nước là những đĩa cổ, lộc bình có hoa văn chim trĩ, phù dung, hoa cúc… cái còn nguyên vẹn, cái sứt mẻ hiện được đại đức Thích Tâm Hiền nâng niu gìn giữ.
Tượng Di Lặc ở sân chùa
     Quần thể chùa Đại Bi- núi Kỳ Lân đã được Sở Văn hóa- Du lịch và Thể thao Thanh Hóa xếp hạng di tích lịch sử - cách mạng cấp tỉnh… Trong các pho tượng Hoàng hậu và phi tần thì có hai pho có tấm "vân kiên" (yếm) phủ bờ vai, ngực và lưng trang trí hoa văn tỷ mỷ, dày đặc, mảng trang trí cả phía sau lưng, hai dải tua từ mũ buông xuống vai trước đó là hai bà Hoàng hậu. Bốn bà phi tần không có những đặc điểm trên, y phục đơn giản.
Tượng Hoàng phi người kinh bắc
tượng vua Lê Thần tông
       Tượng vua Lê Thần Tông toạ trên toà sen, xem như quốc vương hóa Phật, đầu đội mũ bình thiên chạm trổ hình rồng, tay khuất vào hai ống tay áo rộng, toả ra phủ kín hai gối, tư dung sáng sủa, râu ba chòm, vẻ mặt bình thản, viên mãn. Nếp áo hoàng bào chảy nuột theo dáng ngồi tựa áo cà sa.
Chị gái Phi Nga đi lễ cuối năm

          Đại Đức Thích Tâm Hiền về trụ trì chùa Đại Bi đã hơn chục năm, làm ấm cúng lòng người hướng Phật, thức dậy cảnh sắc một thời đi vào thi ca xướng hoạ của tiền nhân tưởng đâu đã rơi vào quên lãng. Trên nền móng cũ, ngôi chùa nhỏ nhắn được dựng lên là công đức của các Phật tử xa gần vun đắp. Đại Bi từ chung và tượng Quan Âm bằng đồng được các nghệ nhân làng nghề đúc đồng nổi tiếng ở Huế về đúc. Sư tăng và phật tử chùa Đại Bi cùng tu hành, cùng tinh tiến.
lòng người hướng thiện, yêu đồng loại hơn, nâng niu cuộc sống hơn.
Chuông chiều...
         Danh thắng Núi Kỳ Lân- Ngọc nữ, chùa Đại Bi đang trở mình sau ngót 500 năm quên lãng, là chốn lâm tuyền nơi đô hội; tịch mịch trong phồn hoa; là “ bầu trời cảnh Bụt” cho tao nhân mặc khách đến kiếm tìm cảm hứng, là nơi tĩnh tâm vỗ về lòng người. Trên mảnh đất thiêng “thượng sàng hạ mộ” xưa, Đại Bi tự sẽ là:
       " Mái chùa che chở hồn dân tộc 
        Mảnh đất muôn đời của tổ tông."
                   Chùa Bạch Hạc- làng Tạnh Xá- phường Đông Vệ
      Những ngày này, thành Phố Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa đang chuẩn bị lễ hội đón nhận quyết định lên đô thị loại I và Kỷ niệm 210 năm thành lập đô thị tỉnh lỵ (1804- 2014). 
Đất thiêng sông núi là đây...cánh Hạc lại tìm về bay lượn trên đỉnh núi Long. Đã 3 hôm nay những người dân thành phố đã được chứng kiến sự trở về trong thời khắc thiêng liêng của đất Vua nhà Chúa. 

      -----------------------------
  (bài và ảnh: Đặng Phương Mai) .

2 nhận xét:

  1. PM chụp được bức ảnh Hạc quý và ý nghĩa trong dịp kỷ niệm 210 năm Hạc thành và lễ đón nhận đô thị loại 1 của TP TH.

    Trả lờiXóa
  2. sang đọc nhìn hạc bay lượn trên đỉnh núi
    và này kỷ niệm thành phố được công nhận đô thị loại 1
    chúc luôn vui khỏe
    hồi blog yahoo Vịệt Nam bạn họa thơ cho tui nhiều

    Trả lờiXóa

Bạn đọc có thể chèn Ảnh hoặc Video clips trực tiếp bằng cách sao chép URL hình ảnh ( chuột phải vào ảnh gốc lấy URL) rồi dán vào cửa sổ comment. Xin cám ơn.