25 thg 3, 2014

Đi trong hương Xoan tháng Ba...


     Quê ngoại tôi là làng Giáng, gần chân thành nhà Hồ. Suốt những năm chiến tranh cả mấy chị em tôi sơ tán về đó. Ngày ấy, đường làng hẹp lắm, hẹp đến nỗi mỗi khi mùa xoan nở, ngửa mặt lên nhìn chẳng thấy trời đâu chỉ mơ màng những vòm hoa xoan đan giao vào nhau, tỏa hương ngào ngạt. Hương thơm dịu nhẹ ấy thấm đẫm tuổi thơ tôi, ám ảnh cho đến tận bây giờ…
      Vườn nhà ngoại tôi trồng nhiều xoan lắm. Sau tết, làng vào hội hè đình đám, hết giêng hai là mùa của hoa xoan nở. Khí trời ấm hơn, tạm chấm dứt những ngày đông lạnh giá. Mẹ tôi thường nói: “ Hoa xoan rụng xuống đất, bà già cất chăn bông”, ấy là khi có những tia nắng mới yếu ớt chiếu lên cái sân gạch cũ kỹ trước thềm nhà. Những đêm xuân có mưa phùn sáng ra sân lại trắng những hoa xoan rụng. Mẹ rất chiều tôi bởi tôi là út ít trong nhà, bà thường đan cho tôi những chiếc rổ xinh xắn, xanh biếc từ những mảnh tước ra từ vỏ trái cau để tôi nhặt hoa Xoan bỏ đầy vào chiếc rổ con con ấy, tôi thường giúp mẹ mang từng nắm lá xoan tum chuối xanh trong chum sành cho mau chín. Bài chính tả năm lớp 2 về Hoa Xoan tôi đã được điểm 10 đỏ chót về khoe mẹ…cho đến tận giờ vẫn nguyên vẹn trong tôi bài thơ Hoa Xoan- một bài thơ trong trẻo đầu đời tôi yêu mến, thuộc nằm lòng cho đến tận bây giờ :
                        ….” Hoa Xoan nở tím ngạt ngào
                     Gió đưa từng cánh đậu vào sách em”...

9 thg 3, 2014

NGHỆ THUẬT TRANG TRÍ TRỐNG ĐỒNG - Tinh hoa văn hóa Đông Sơn

       Văn hoá Đông Sơn là nền văn hoá tiêu biểu của dân tộc Việt Nam, phản ánh một thời kỳ phát triển văn hoá rực rỡ mà chủ nhân là những người Việt cổ. Nói đến Văn hoá Đông Sơn là nói đến trống đồng, bởi ở đó tập trung cao nhất những ý niệm về vũ trụ, những quan niệm nhân sinh.
      Đông Sơn là tên một làng nằm ở bờ sông Mã, cách cầu Hàm Rồng khoảng 1km về phía thượng nguồn (thuộc huyện Đông Sơn, tỉnh Thanh Hoá). Năm 1924, người nông dân tên gọi Nguyễn Văn Lắm ở làng Đông Sơn khi ra bờ sông Mã câu cá đã tìm thấy một số đồ đồng ở nơi bờ sông sạt lở.
       Văn hóa Đông Sơn đã làm chủ hoàn toàn nguyên liệu và chế tác ra nhiều loại hình công cụ, vũ khí, trang sức bằng đồng tinh xảo nhất còn lại cho đến ngày nay...Tuy nhiên, niềm tự hào chính đáng của chúng ta trong nền văn hóa Đông Sơn chính là bộ sưu tập trống đồng hết sức phong phú. Trống đồng của tổ tiên ta không giống hẳn các trống đồng tìm được tại các quốc gia khác ở vùng Đông Nam Á, mà lại khá nhiều về số lượng, dày đặc về mật độ phân bố, trau chuốt về đường nét và tinh tế về thẩm mỹ cũng như kỹ thuật chế tác, chứng minh rằng nền văn hóa Đông Sơn của người Việt cổ đã phát sinh trưởng thành ngay tại bản địa.